In Flexo và In Offset là những kỹ thuật in được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp in ấn hiện nay. Vậy sự khác nhau giữa hai kỹ thuật in này là gì? Bài viết dưới đây của Hoàng Long sẽ giúp các bạn so sánh in Flexo và in Offset.
Nội dung bài viết
Công nghệ in Flexo
In Flexo là gì?
Flexo có tên gọi đầy đủ là Flexography. Đây là một kỹ thuật dùng bản in nổi để in trực tiếp lên nhiều loại bề mặt khác nhau như giấy carton, màng kim loại, nhựa, màng bóng kính,… Khuôn in được cấp mực bởi một trục anilox. Đây là loại trục bằng kim loại, trên bề mặt được khắc lõm thành nhiều ô nhỏ. Trong quá trình in, trục anilox sẽ được nhúng trong một máng mực, sau đó mực sẽ lọt vào các ô nhỏ ở trên trục, phần mực thừa trên trục sẽ được gạt đi nhờ một dao gạt.
Sau đó, khuôn in sẽ được nhận mực từ trục thông qua các ô nhỏ chứa mực. Mực được truyền lên vật liệu in, hình ảnh hay chữ viết đều sẽ được in nổi lên trên vật liệu in nhanh chóng và ngược chiều với hình ảnh ở trên khuôn in.
Xem thêm: Thùng carton là gì? Cách phân loại thùng carton theo số lớp
Khuôn in Flexo
Khuôn in Flexo được chế tạo bằng chất liệu photopolymer. Khuôn có thể được sản xuất bằng phương pháp khắc laser, quang hóa hoặc CTP. Sau đó được gắn lên trục in bằng băng dính 2 mặt hoặc keo. Việc chọn khuôn in sẽ phụ thuộc vào bề mặt cần in, độ dày của bản in từ 0.8 – 8 mm, độ cứng từ 40 – 60 shore.
Ứng dụng của công nghệ in Flexo
Kỹ thuật in Flexo được dùng chủ yếu để in thùng carton, in nhãn mác bao bì, in label, in các loại decal nhãn mác, các loại màng,… Các loại vật liệu vải, gỗ hay nhựa cũng đều sử dụng được công nghệ in này.
Công nghệ in Offset
In Offset là gì?
In Offset là kỹ thuật in phẳng. Đối với kỹ thuật này, các phần tử in sẽ được hiện trên bản kẽm thông qua quá trình chế bản. Bao gồm 2 loại phần tử là: Phần tử in bắt mực và phần tử không in bắt nước. Sau đó, bản kẽm đã được dính mực in này được ép lên tấm Offset (làm từ cao su) trước. Tấm Offset sẽ ép lên bề mặt giấy in và mực in trên tấm Offset sẽ bám vào bề mặt giấy để tạo thành hình ảnh cần in.
Bản kẽm
Bản kẽm là trục ống kim loại kẽm, bao gồm các phần tử in bắt mực và các phần tử không in bắt nước. Bản kẽm được phủ lên bề mặt 1 lớp thuốc nhạy sáng có màu xanh, gọi là dizago. Phần tử in sẽ được phủ thuốc còn phần tử không in sẽ bị loại bỏ đi lớp thuốc. Đối với các bản in nhiều màu, mỗi màu sẽ là một bản kẽm tương ứng.
Ứng dụng của công nghệ in Offset
In offset là công nghệ in ấn phổ biến nhất hiện nay. Thường xuyên được sử dụng trong quá trình in ấn phẩm văn phòng và quảng cáo như: Sách báo, catalogue, túi giấy, bao bì, phong bì, tiêu đề thư, tờ rơi, card visit, brochure,… Có thể in trên nhiều bề mặt vật chất liệu khác nhau như: Giấy, nhựa, PVC,…
Bản in sử dụng kỹ thuật này không bị giới hạn số màu in, thành phẩm có màu sắc rõ ràng, độ chính xác cao, sắc nét và chất lượng tốt.
So sánh kỹ thuật in offset với in flexo
Kỹ thuật in flexo và in offset đều được đánh giá là những kỹ thuật in ấn tốt nhất hiện nay. Chúng có thể ứng dụng ở nhiều chất liệu từ giấy, gỗ cho đến vải và kim loại,… Tuy nhiên, chúng cũng sở hữu những nét đặc trưng riêng mà người dùng cần nắm rõ để đưa ra sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình. Dưới đây là so sánh in flexo và in offset.
Loại hình in
In carton tờ rời hay in cuộn sẽ thích hợp với in flexo. Ngược lại, in bao bì giấy, ấn phẩm sẽ phù hợp hơn với in offset vì nó đem lại hình ảnh sắc nét, rõ ràng và đẹp hơn.
Yếu tố thẩm mỹ
In flexo sẽ đem lại những hình ảnh có màu sắc đồng đều vì sử dụng trục anilox để truyền mực. Còn kỹ thuật in offset sẽ không đem lại sự đồng đều về hình ảnh tuy nhiên sẽ cho ra đời những hình ảnh đẹp mắt, sắc nét và rõ ràng.
Chi phí in ấn
In offset là sự lựa chọn hoàn hảo giúp cho khách hàng tiết kiệm tối đa chi phí nếu đang muốn in bao bì với số lượng lớn. Đối với các khách hàng yêu cầu sự đồng đều trong các sản phẩm in ấn hàng loạt thì in flexo sẽ là sự lựa chọn thích hợp hàng đầu.
Xem thêm: Thùng carton in offset là gì? Đặc điểm của thùng carton in offset
Ưu điểm của kỹ thuật in flexo và in offset
In flexo
- Mực in bám màu rất tốt.
- Không bị lem màu, mực in khô nhanh.
- Giá thành thấp
- Có thể ứng dụng trên nhiều vật liệu và chất liệu giấy khác nhau
In offset
- Nhờ vào miếng cao su áp lên trên bề mặt in nên hình ảnh sẽ có đường nét và chất lượng cao hơn khi in trực tiếp từ bản in.
- Có khả năng đáp ứng được mọi loại bề mặt in, thậm chí là những bề mặt lồi lõm như da, kim loại, gỗ, vải vóc hay các loại giấy thô nhám.
- Bề mặt cần in không tiếp xúc trực tiếp với bản in nên tuổi thọ của sản phẩm cũng được gia tăng.
- Dễ chế tạo được các bản in.
Hy vọng qua bài viết này của Hoàng Long các bạn đã phân biết được in Flexo và in Offset để có thể sử dụng phương pháp phù hợp với nhu cầu in ấn của mình.